Người viết sẽ dẫn dắt một ý liên quan đến vấn đề sau đó sẽ trình bày vấn đề cần giải quyết. Mở bài gián tiếp sẽ tạo được sự linh hoạt, hấp dẫn người đọc. Với cách viết gián tiếp người viết có thể dẫn dắt từ những cách sau:
- Mở bài đi từ chủ đề, đề tài: Dựa trên đề tài của tác phẩm, người viết sẽ giới thiệu trực tiếp vấn đề cần nghị luận.
Ví dụ: Đất Nước là một đề tài muôn thuở của thơ ca và nghệ thuật. Hình hài đất nước cũng được tạc thành nhiều vẻ đẹp khác nhau từ những góc nhìn khác nhau. Nguyễn Trãi tự hào về triều đại Triệu, Đinh, Lý, Trần…, Tố Hữu thấy Đất Nước trong bóng dáng người anh hùng, người Mẹ. Chế Lan Viên “tìm hình của nước” trong vị cha già Hồ Chí Minh, còn Nguyễn Khoa Điềm, một nhà thơ trẻ thời chống Mỹ, lại tìm vẻ đẹp của Đất Nước trong chiều sâu văn hóa, phong tục mang đậm dấu ấn tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”. Chiều sâu tư tưởng ấy đã thể hiện sâu sắc qua đoạn thơ:
- Mở bài đi từ giai đoạn lịch sử: Dựa trên bối cảnh xã hội qua từng giai đoạn sẽ có những giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của tác phẩm khác nhau. Đi từ giai đoạn, thời kì văn học sẽ gắn hiện thực đời sống với nhà văn - tác phẩm - bạn đọc, cách viết này sẽ tạo điểm nhấn cho bài viết.
Ví dụ: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã góp thêm những trang vàng vào lịch sử dân tộc. Đã có rất nhiều văn nghệ, đã có được cảm hứng sáng tác từ đề tài này. Chính vì vậy đây cũng là giai đoạn văn học có nhiều thành công góp phần làm rạng rỡ nền văn học nước nhà…. (giới thiệu tác giả, tác phẩm sẽ phân tích).
- Mở bài theo cách so sánh: với cách viết này người viết đối chiếu hai hoặc nhiều đối tượng với nhau ở phương diện giống nhau, khác nhau hoặc cả hai.
Ví dụ: Đất Nước là tiếng ca bay vút lên từ thẳm sâu tình yêu con người, là giọt đàn bầu thon thả gọi về điệu hồn dân tộc. Ta đã từng gặp một Đất Nước hóa thân trong mảnh hồn quê Kinh Bắc đậm màu sắc dân gian mà quằn quại dưới gót giày xâm lược trong Bên kia song Đuống - Hoàng Cầm; một Đất Nước tươi đẹp và đau thương trong thơ Nguyễn Đình Thi… thì hôm nay ta lại bắt gặp Đất Nước bình dị thân thương ấy trong trang thơ của Nguyễn Khoa Điềm với bao ý tình tươi đẹp, mà mỗi dòng thơ như dòng suối ngọt ngào chảy vào hồn ta đầy thương mến.
- Mở bài đi từ một nhận định, nhận xét: Là cách viết trích dẫn những nhận định, nhận xét có liên quan đến nội dung vấn đề cần nghị luận.
Ví dụ: Thời gian vẫn trôi đi và bốn mùa luôn luân chuyển. Con người chỉ xuất hiện một lần trong đời và cũng chỉ một lần ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng… Nhưng những gì là thơ, là văn, là nghệ thuật đích thực thì vẫn còn mãi với thời gian. Trước khi chết, vua Phổ cầm tay Môda và nói: “Ta tiêu biểu cho trật tự, ngươi tiêu biểu cho cái đẹp. Biết đâu là hậu thế sẽ quên ta và nhắc nhở đến ngươi”. Có lẽ mãi về sau, chúng ta vẫn sẽ không quên “Sóng – Xuân Quỳnh” - một bài thơ ngọt ngào, da diết, là tiếng lòng thổn thức của một trái tim rạo rực của người phụ nữ khi yêu…
- Mở bài từ một số cách dẫn dắt chung
Ví dụ 1: Xây dựng hình tượng nhân vật đã khó, nhưng để nhân vật đó có sức lay động, chiếm trọn trái tim người đọc còn khó hơn. Ấy vậy mà nhà thơ/nhà văn… đã làm được điều đó. Nhân vật A của ông đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc về hình ảnh của một…
Ví dụ 2: Nếu phải tìm bản nhạc hay nhất, có lẽ tôi sẽ chọn văn chương. Bởi chỉ khi đến với văn chương, người nghệ sĩ mới được tự do để trái tim dẫn dắt, được thể hiện quan niệm của chính mình và rồi mang đến cho người đọc biết bao giai điệu cảm xúc với nhiều cung bậc. Và tác giả… đã để tác phẩm… của mình là nốt ngân đầy sáng tạo trong bản hòa tấu của văn học, đặc biệt là đoạn trích...
Trên đây là cách viết mở bài hay cho phần nghị luận văn học. Hi vọng rằng bài viết này sẽ giúp các bạn học sinh có thêm kiến thức để rèn luyện cách viết và tạo được cho mình cách viết mở bài lôi cuốn và thu hút nhất.