BÁT PHỞ
Bạn có bao giờ, khi đang ngồi trong một hàng phở, và đặt ra câu hỏi: có gì lạ với bát phở của người kế bên mình? Ông chủ quán - đứng giữa hai cái bếp than rừng rực cháy, hai cái nồi nước sùng sục sôi và chỉ có mỗi cái khăn cháo lòng vắt vai để vuốt đi những lượt mồ hôi nhễ nhại - hẳn sẽ nổi xung lên. Cũng nước phở sóng sánh. Bánh cũng mềm, thơm, đảm bảo không formon. Thịt bò vừa chín tới. Thêm vài giọt chanh vắt vào. Hành chần tới độ, không hăng mà vẫn giòn, ngọt. Có làm đến trăm bát, đảm bảo bát nào chất lượng cũng giống nhau hết, không ai thiệt hơn ai.
Vậy sao tôi vẫn không kìm được mình, để khỏi nhìn sang bát phở bên cạnh? Hai cậu học trò gầy guộc, khuôn mặt hơi ngơ ngác. Một trắng xanh, một ngăm ngăm đen. Bên cạnh mỗi cậu là một người cha. Họ lặng lẽ ăn, trong khi những người cha lặng lẽ ngồi đốt thuốc, mắt lơ đãng nhìn ra phố xá.
Lúc tôi bắt đầu ăn, họ ngồi trong quán trà xế bên. [] Hai người cha hẹn nhau ngày mốt, lúc thi xong thì cùng đến chỗ ấy, chỗ kia để về quê. Hóa ra, họ đang đưa hai con lên Hà Nội thi đại học. Ngày mai, kỳ thi bắt đầu.
Hẹn xong, họ cùng đứng lên. Rồi đi xuôi xuống phố, qua quán phở, chỗ tôi đang ngồi ăn. Bỗng nhiên, đoàn bốn người ấy dừng lại. Phân vân. Người cha hỏi con điều gì đó. Rồi hai ông bố trao đổi với nhau. Mất chừng vài phút.
Và họ cùng quay lại chỗ quán phở. Ngồi xuống chiếc bàn nhựa cập kênh, kế bên tôi. Thằng nhỏ chạy bàn đi tới, lạch xạch lau vài ba đường trên cái mặt bàn xin xỉn, nhờn mỡ, đoạn hỏi: Bác ăn gì? Cả bốn người họ nhìn sang tôi, nhìn sang những bàn khác, rồi tần ngần nhìn tới nhìn lui cái biển ghi trên cửa quán.
Phở bò nhé? Tái hay chín?
Thêm cả quả trứng cho chắc bụng nhé?
Hai cậu con nhè nhẹ gật đầu:
Vâng, gì cũng được.
Thế thì cho hai phở bò chín. Hai trứng
Thằng nhỏ chạy bàn vo cái khăn trong tay, tần ngần nhìn bốn người, ý chừng như muốn hỏi:
Sao bốn người mà chỉ có hai bát?
Nó chạy ra chỗ ông chủ quán, chỏng lỏn:
Hai bò!
Ông chủ quán lăn cái khăn màu cháo lòng qua vuông mặt đỏ lựng vì lửa than, rồi vắt trả cái khăn về bên vai, tay dao tay thớt nhoay nhoáy. Trong tích tắc, hai bát phở sóng sánh được bê ra, đặt trịnh trọng trên bàn.
Chúng mày ăn đi!
Một trong hai người cha lên tiếng. Đoạn hai ông kéo xích cái ghế ra ngoài một chút, thì thầm nói chuyện với nhau. Đại loại ba cái chuyện mùa màng, bò đẻ, vải thiều sụt giá... Rồi tới nữa là chuyện phòng trọ trên này sao đắt chi mà đắt. Sáng mốt ngủ dậy, mình phải trả phòng luôn, không là họ tính thêm một ngày nữa. Mình đợi chúng nó ngoài phòng thi, thi xong thì ra bến xe về luôn. Cần thì mua mấy tấm bánh mì, lên xe ăn tạm. Về đến quê rồi, chúng nó thích ăn gì, tha hồ ăn. Chứ trên này, chậc... chậc
Chuyện tới nửa chừng, một ông sực nhớ ra điều gì đó, cho tay vào túi. Lục sục hồi lâu, đoạn sốt ruột lôi ngược cả cái ruột túi chỉ sổ lởm chởm. Mấy điếu thuốc lá nhàu nhĩ trật ra. Ông nọ chia cho ông kia điếu thuốc. Lửa châm sang. Họ im lặng nhấm nháp hơi thuốc khen khét trong buổi chiều nóng nực của phố xá. Cuộc sống nơi đây hẳn là khác rất xa với nơi họ vẫn sống hằng ngày, nơi mà họ đang thon thót về đợt vải năm nay, con bò sắp đẻ lại lăn đùng ra ốm. Họ chỉ vừa lên đây vài ba bữa mà đã thấy lâu quá trời quá đất. Bộ quần áo chỉn chu nhất trong tủ quần áo của hai ông bố nông dân ấy, đều đã mang cả ra đây để mặc rồi. Những bộ quần áo không còn rõ màu sắc ban đầu của vải nữa. Nhưng dưới quê, chỉ có lễ trọng họ mới mặc mà thôi.
Trong khi ấy, hai cậu con vẫn cặm cụi với bát phở của mình. Chúng không nói gì. Không cả dám khen một câu đại loại: Phở ở đây ngon quá. Hàng phở này ngon thật. Tôi vốn rành ăn phở, những quán thế này không thật nhiều. Nhưng vì sao chúng không hồ hởi mà thốt ra một câu như thế?
Và tôi, không kìm nén được mình, cứ hướng sang phía bốn con người ấy. Bốn con người ngồi lặng một góc giữa cái quán ồn ã. Người cha sẽ đợi những đứa con của mình ăn đến tận thìa nước cuối cùng, rồi lẳng lặng moi cái ví bằng vải bông chần màu lam cất trong ngực áo ra. Ông sẽ phải đếm một lúc những tờ hai nghìn, năm nghìn, mười nghìn để sao cho đủ ba mươi nghìn đồng, trả cho hai bát phở. Ông - một tích tắc nào đó - dẫu có bị quyến rũ bởi cái mùi nước phở đang cất lên ngào ngạt kia, cũng chỉ dám nuốt nước miếng mà thôi. Sẽ là một đĩa cơm suất ven đường, ít thịt, nhiều rau, xin thêm miếng cháy cho chắc dạ. Cũng vào cỡ năm, bảy nghìn đồng chứ ít ỏi gì.
Hai cậu con trai lặng lẽ bên những người cha. Chúng nhìn những đồng tiền đi ra khỏi ví của cha. Trên gương mặt chúng hiển hiện rõ ràng nỗi âu lo, mỏi mệt. Những kỳ thi, những nẻo đường còn ngổn ngang phía trước...
Câu 9. Nếu ở vào vai người kể chuyện trong tác phẩm này, bạn sẽ ứng xử như thế nào khi chứng kiến những sự việc diễn ra trong quán phở?
Câu 10. Nếu được viết tiếp đoạn kết của câu chuyện, bạn muốn câu chuyện có kết thúc như thế nào? Vì sao bạn muốn như vậy?
11 Viết bài luận khoảng 600 800 từ phần tích giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn Bát phở được trích dẫn ở trên.