Vợ chồng A Phủ là tác phẩm xuất hiện dày đặc trong các kì thi khảo sát của nhiều tỉnh thành trong năm nay.
Đã rất rất lâu rồi, các sĩ tử không được gặp cô Mị trong phòng thi Văn. Liệu chưa đầy một tuần nữa, chúng mình có thấy cô Mị giữa Hồng Ngài?
Giá trị nhân đạo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ
+ Nhà văn đã bộc lộ niềm cảm thông, thương xót trước số phận đau khổ, bất hạnh của những con người lao động nghèo khổ ở vùng núi Tây Bắc, thể hiện qua cuộc đời bất hạnh của Mị.
+ Nhà văn lên tiếng tố cáo, phê phán bọn chúa đất phong kiến miền núi đã dùng cường quyền, thần quyền và lợi dụng những tập tục cổ hủ của người Mèo để áp bức, bóc lột người dân.
+ Nhà văn cũng phát hiện, trân trọng, khẳng định và ngợi ca những vẻ đẹp phẩm chất cao quý của con người trong mọi hoàn cảnh. Đó là sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm tình mùa xuân và sự phản kháng trong đêm cứu A Phủ.
+ Nhà văn thể hiện niềm tin sâu sắc và chỉ ra con đường đến với tự do, hạnh phúc của người nông dân: phản kháng và hướng đến ánh sáng Cách mạng.
Nhận xét cái nhìn về người nông dân của nhà văn Tô Hoài
- Nhà văn nhìn người nông dân Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn chúa đất miền núi đã bị chà đạp tàn nhẫn từ thể xác đến tinh thần. Nhưng trong chiều sâu tâm hồn của họ vẫn có sức sống tiềm tàng mãnh liệt với khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc, tình yêu và khát vọng tự do.
- Tuy sống trong thân phận trâu ngựa, bị đoạ đày giữa địa ngục trần gian nhưng họ không bao giờ chịu đầu hàng số phận, mà vẫn tìm cách vượt ngục tinh thần.
- Đó còn là cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào sức mạnh của người nông dân trong tư tưởng tiến bộ của nhà văn cách mạng Tô Hoài.
- Cách nhìn mới mẻ, tin yêu về người nông dân cho thấy tài năng quan sát, miêu tả thiên nhiên, phong tục tập quán, đặc biệt khả năng diễn tả quá trình phát triển tính cách nhân vật hợp lí, tự nhiên, phong phú, phức tạp mà sâu sắc, phù hợp với quy luật phép biện chứng tâm hồn của nhà văn Tô Hoài - người có duyên nợ với mảnh đất và con người Tây Bắc.
Nhận xét diễn biến tâm lý của Mị trong trong “đêm tình mùa xuân”
- Diễn biến tâm lý của Mị trong trong “đêm tình mùa xuân” thực chất là quá trình sống dậy của sức sống thanh xuân và khát vọng tự do, hạnh phúc.
- Quá trình ấy được Tô Hoài khám phá, miêu tả một cách tự nhiên, sinh động rất hợp với quy luật tâm lý, quy luật đời sống tình cảm của con người. Đặc biệt, nhà văn đã sử dụng ba tác nhân hỗ trợ việc miêu tả tâm lý rất thành công: không khí mùa xuân, hơi rượu và tiếng sáo.
- Quá trình sống dậy của sức sống thanh xuân và khát vọng tự do, hạnh phúc của Mị là bằng chứng về sức sống tiềm tàng nhưng mãnh liệt của nhân vật này. Tô Hoài miêu tả và khám phá nó không chỉ bằng cảm quan nghệ sĩ mà còn bằng cả tấm lòng mình.